Chuyện của cậu học trò nhiều sáng tạo
Vốn đam mê công nghệ thông tin, em Lê Quang Trí (học sinh lớp 11A7, Trường THPT Long Khánh, TX. Long Khánh) đã mày mò sáng tạo ra nhiều mô hình, dự án thiết thực, hữu ích với cuộc sống. Mới đây, dự án “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà” của Trí được tỉnh chọn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp quốc gia và đoạt giải nhì.
Từ niềm đam mê…
Ấn tượng lần đầu tiên gặp Trí là cậu học trò cao gầy, cách nói chuyện lôi cuốn mọi người. Trí là con út trong gia đình có hai anh em trai; bố làm nghề chụp ảnh, mẹ làm nghề uốn tóc. “Em rất tự hào về mẹ mình. Bởi mẹ có cách dạy hay, những lúc em có lỗi sai thì mẹ không bao giờ đánh đòn mà nhỏ nhẹ phân tích đúng sai. Khi kèm em học bài lúc nào mẹ cũng đặt câu đố nhằm tạo cho em tính tư duy, suy nghĩ. Đặc biệt mẹ không bao giờ tạo áp lực về điểm số nhằm giúp em có sự thoải mái trong học tập. Nhờ vậy, trong suốt 11 năm qua em luôn đạt học sinh giỏi”, Trí kể.
Năm học lớp 6, Trí bắt đầu đam mê lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm học lớp 8, Trí đã thực hiện sản phẩm đầu tay “Hệ thống tự động tắt điện trong lớp học”. Ý tưởng của em là khi mở cửa ra, đèn trong phòng học sẽ tự động bật sáng lên; sau khi học xong, mọi người ra khỏi phòng và đóng cửa lại thì đèn cũng tự động tắt. Trí đã đưa sản phẩm tham gia cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh nhưng không đoạt giải, vì ý tưởng còn khá thô sơ.
Sự nỗ lực phấn đấu của Trí cuối cùng cũng được đền đáp, những năm sau đó, các sản phẩm của em luôn đoạt giải cao. Cụ thể, năm học lớp 9, em thực hiện dự án “Hệ thống cảnh báo xe ở góc khuất” (nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các giao lộ) và đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh. Năm học lớp 10, em thực hiện dự án “Thiết bị bảo vệ tai khỏi tiếng ồn có tạo áp suất cao” (tức là khi có tiếng ồn lớn thì thiết bị có chức năng tự động ngắt âm thanh bên ngoài) và đoạt giải ba cấp tỉnh.
Em Lê Quang Trí tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học
Năm học lớp 11, Trí tiếp tục tạo ra “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà” (siêu thị, chung cư, tòa nhà, văn phòng, khách sạn…). Đây là dự án khiến em “mất ăn, mất ngủ” nhiều nhất. Trí kể, vào khoảng tháng 9-2018, một lần Trí đi ăn sáng thì gặp một bác khiếm thị cũng vào quán nhưng phải có người thân dắt đi. Từ đó, Trí nghĩ ra ý tưởng để giúp đỡ người khuyết tật.
Sau khi trình bày ý tưởng lên nhà trường và được các thầy cô góp ý, đến đầu tháng 10-2018, Trí bắt đầu thực hiện dự án. Để thực hiện dự án, ngoài tìm hiểu các trang mạng ở Việt Nam, em còn nghiên cứu các thư viện bằng tiếng Anh của nước ngoài. “Có những chức năng làm sai nên em phải sửa đi sửa lại nhiều lần và mất nhiều thời gian. Thậm chí khi làm xong, em đem ra thử nghiệm thì không đạt, phải làm đi làm lại… Tuy nhiên, em không nản mà tự động viên mình phải cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó, em còn được bạn bè thầy cô động viên và hỗ trợ hết mình. Hơn nữa, em đang làm dự án cho người khiếm thị nên mỗi khi nghĩ đến họ là thôi thúc mình phải quyết tâm làm bằng được. Nhờ vậy, cuối cùng dự án cũng hoàn thành”, Trí chia sẻ.
Đến tháng 12-2018, Trí đã làm xong dự án với một chức năng chính là ứng dụng vào mục đích dẫn đường cho người khiếm thị trong các tòa nhà. Dự án được tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh và giành giải nhất. Không dừng lại, Trí tiếp tục hoàn thiện các chức năng phụ như để hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các toà nhà thuận lợi hơn. Khi dự án hoàn thiện ưng ý nhất, Trí mới tự tin đưa đi tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia và đoạt giải nhì, mang niềm vui về cho gia đình và nhà trường.
Sáng tạo hữu ích
Chia sẻ thêm về “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các toà nhà”, Trí cho biết, hiện nay, một số nơi trong và ngoài nước có các giải pháp đang được thử nghiệm để giúp người khiếm thị định hướng đi lại trong các tòa nhà. Tuy có nhiều giải pháp nhưng lại không được áp dụng, một trong những nguyên nhân được tìm ra là “do chi phí thiết kế cho các giải pháp đó còn khá cao nên những nơi công cộng, các tòa nhà ngại áp dụng”. Từ những phân tích trên, thấy rõ việc tìm ra những giải pháp giúp người khiếm thị xác định hướng di chuyển có chi phí thấp, hiệu quả, thao tác sử dụng đơn giản và chuyên dụng là điều cần thiết cho người khiếm thị ở Việt Nam và trên thế giới.
Hơn nữa, hiện nay có khá nhiều ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị bằng cách dùng điện thoại thông minh. Ở Việt Nam, chúng ta có bộ đọc tiếng Việt VnSpeak TTS. Đây là bộ đọc đang được hàng ngàn người khiếm thị sử dụng để học tập, giao tiếp, giải trí và tiếp cận thông tin theo VnSpeak. Qua giới thiệu của VnSpeak, ta có thể thấy số lượng người khiếm thị dùng ứng dụng này để sử dụng điện thoại là rất lớn. Việc dùng điện thoại thông minh đối với người khiếm thị không còn xa lạ. Do đó, việc dùng một ứng dụng để chỉ dẫn cho người khiếm thị là khả thi.
Em Lê Quang Trí (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ về ứng dụng sáng tạo với bạn bè
Từ phân tích trên, Trí quyết định chọn phương pháp dùng mã QR để lưu trữ thông tin lối đi, địa điểm vì những ưu điểm mạnh về chi phí thấp, cách lưu trữ dữ liệu đơn giản, không phụ thuộc vào kết nối internet và GPS. Các tòa nhà phần lớn có các bảng hướng dẫn đặt tại chỗ giao nhau giữa các lối đi và các bảng tên đặt trước các địa điểm. Chúng ta có thể đặt mã QR tại các bảng đó để đơn giản hóa vấn đề lựa chọn vị trí đặt mã; có thể tích hợp các API (giao diện lập trình ứng dụng) sẵn có vào ứng dụng để hướng dẫn người khiếm thị đưa camera tới mã QR. Và đây cũng chính là điểm nổi bật của dự án. Người khiếm thị sẽ được hướng dẫn thông qua âm thanh để đưa điện thoại đến mã để quét.
Ý nghĩa thực tiễn của dự án là làm tăng sự tự tin cho người khiếm thị trong cuộc sống, trong công việc vì có thể tự di chuyển mà không phụ thuộc vào người khác. Đồng thời, cũng làm giảm các nguy hiểm từ việc nhờ những người lạ xung quanh dẫn đường giúp. Khi dự án được áp dụng, người khiếm thị sẽ dễ dàng hòa nhập với mọi người, mở ra nhiều cơ hội việc làm. “Mong rằng các chủ tòa nhà xem xét đến dự án và ứng dụng để người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà được thuận lợi”, Trí mong muốn.
Tấm gương để bạn bè học tập
Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh Lê Văn Phê cho biết, học sinh Lê Quang Trí là một trong những nhân tố điển hình để nhà trường đầu tư cho em phát triển tài năng. Và không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, em Trí đã đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi KHKT. Vừa qua, khi biết tin Trí đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh thì nhà trường đã thưởng cho em 1,5 triệu đồng. Sắp tới đây, nhà trường dự định khen thưởng Trí đoạt giải nhì cấp quốc gia với mức khoảng 5 triệu đồng để động viên, khuyến khích Trí và để những em khác cố gắng phấn đấu. “Không những giỏi Tin học, Trí còn học giỏi toàn diện các môn; trong đó, một số môn Lý, Toán, Ngoại ngữ… cũng khá tốt. Trí có phẩm chất đạo đức tốt, kính trọng thầy cô, thân thiện với bạn bè và luôn được thầy cô, bạn bè quý mến. Đây là một trong những tấm gương để các bạn khác noi theo”, thầy Phê nói.
|
Nguồn: Thành Nhân - Báo Lao động đồng Nai