• Thủ tục hành chính
  • Đổi mới Giáo dục
  • Quy trình ISO
  • Tra cứu thông tin tốt nghiệp
  • Tài liệu tham khảo
  • Hội khuyến học
  • Báo giáo dục Thời đại

Phát triển giáo dục STEM: Cần sự chia sẻ, đồng hành của phụ huynh

1. Em Đ.M.Đ., học sinh Trường THCS Quang Trung (huyện Tân Phú) là chủ nhân của sản phẩm học tập theo định hướng STEM “Nhà thông minh”. Em cũng là một trong 5 tác giả có dự án được tham gia báo cáo tại Ngày hội STEM với chủ đề “Chúng em tập làm nhà khoa học” do Trường THCS Quang Trung tổ chức mới đây. Bản thân Đ. rất đam mê khám phá, sáng tạo khoa học kỹ thuật, mong muốn có thể tự tay chế tạo ra những thiết bị phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Hoạt động giáo dục theo định hướng STEM là một cơ hội quý để em được thỏa sức thể hiện niềm đam mê và khả năng sáng tạo của mình.

Đ. mong muốn trở thành kỹ sư hoặc công việc liên quan đến chế tạo cơ khí. Vì thế, khi tham gia sân chơi khoa học kỹ thuật và trải nghiệm STEM, Đ. đã mày mò làm dự án nhà thông minh trong 3 tháng. Với ngôi nhà này, mọi thiết bị điện trong gia đình đều có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại di động thông qua ứng dụng. Dự án của em được các thầy, cô giáo đánh giá cao. Niềm đam mê, tinh thần học hỏi và sự sáng tạo của em cũng được các giáo viên trong trường ghi nhận.

10.JPG
Giáo dục theo định hướng STEM nói riêng và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường nói chung cần có sự chia sẻ, đồng hành của các bậc phụ huynh

Tuy nhiên, Đ. lại không được sự ủng hộ của cha mẹ. Những lúc mày mò lắp ráp mô hình nhà thông minh, Đ. nhận được lời khuyên… “dẹp đi, đừng làm nữa”. Bởi theo cha mẹ em, công việc này chỉ khiến em tốn thời gian mà không có lợi ích gì. Thay vào đó, họ muốn em tập trung ôn thi lớp 10 để có thể đậu vào Trường THPT Đoàn Kết. Họ không biết rằng, quá trình chơi mà học ấy của Đ. chính là những khởi đầu để em tiếp cận công việc trong tương lai. Có thể, điểm thi vào lớp 10 của Đ. sẽ không được như kỳ vọng của ba mẹ nhưng kỹ năng thực hành và kỹ năng đưa kiến thức vào thực tiễn của em sẽ tốt hơn rất nhiều so với cách học thông thường. Hơn nữa, những việc mà Đ. đang làm rất phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai của em.

Dù bị cha mẹ ngăn cản nhưng với đam mê và quyết tâm của bản thân, Đ. vẫn tiếp tục công việc để hoàn thiện sản phẩm. Với thành tích đạt được, em hy vọng rằng suy nghĩ của cha mẹ sẽ thay đổi. Tuy vậy, để xây dựng niềm tin với bậc phụ huynh, Đ. cho biết em sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Đoàn Kết như mong muốn của cha mẹ.

2. Ngày hội STEM với chủ đề “Chúng em tập làm nhà khoa học” của Trường THCS Quang Trung  đã diễn ra khá thành công, học sinh, giáo viên, chuyên gia có mặt đông đủ và tham gia hào hứng vào các hoạt động của ngày hội. Nhưng điều đáng tiếc là số lượng phụ huynh đến tham gia rất ít, ngoài một vài thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Thầy Trần Đình Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phụ huynh học sinh được nhà trường nhắm đến là một trong những thành phần chính của ngày hội STEM. Bởi lẽ, để giáo dục STEM được lan tỏa thì chính sự hiểu biết và ủng hộ của phụ huynh là một yếu tố vô cùng quan trọng. 

Tuy nhiên, hiện nay đa phần phụ huynh ở vùng nông thôn đều chưa biết đến giáo dục STEM hoặc thậm chí không quan tâm đến các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nói chung do nhà trường tổ chức. Hầu hết các bậc cha mẹ vẫn mong muốn con em họ tập trung vào những giờ học chính khóa, đầu tư cho các “môn chính” để có được thành tích học tập tốt, thi vào những trường tốt khi chuyển cấp…

Thầy Trần Đình Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của nhà trường khi tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng STEM nói riêng và hoạt động trải nghiệm sáng tạo nói chung chính là nhận thức của phụ huynh học sinh. Theo đó, phụ huynh ở đây hầu như chưa có khái niệm đầu tư cho việc học của con theo hình thức gắn lý thuyết với thực hành mà chủ yếu yêu cầu con em tập trung học lý thuyết để lấy điểm cao. Điều này xuất phát từ việc thi cử của ta còn nặng lý thuyết hàn lâm, chưa gắn thực hành trong thi cử.

Học sinh lứa tuổi THCS phụ thuộc nhiều vào gia đình. Do đó, các em rất khó có thể làm được những việc mà phụ huynh không đồng ý, ủng hộ. Chẳng hạn, trong quá trình làm các sản phẩm STEM vừa qua, có những học sinh tâm sự với thầy cô là các em phải trốn cha mẹ để nghiên cứu, lấy tiền ba mẹ cho ăn sáng để mua nguyên vật liệu... 

“Để mở một con đường đi mới trong khi mọi người đã quen đi trên lối mòn thì chắc chắn sẽ rất gian nan. Nhưng gian nan không có nghĩa là sẽ nản và bỏ cuộc. Phải bước từng bước một để khơi gợi niềm đam mê trong học sinh; đồng thời để phụ huynh thấy được định hướng tương lai cho con em mình, để cả hai bên gặp được nhau, giúp học sinh thỏa mãn được đam mê khám phá; thực hiện được ước muốn, nguyện vọng của bản thân các em” thầy Chi chia sẻ.

Trong khi chờ đợi sự sẻ chia, đồng hành của phụ huynh, Trường THCS Quang Trung tiếp tục tạo nhiều cơ hội để học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm gắn liền với kiến thức mà các em được học trên lớp. Từ đó khơi gợi niềm đam mê của học sinh và phát triển theo khả năng, sở trường của bản thân. Chẳng hạn, với những học sinh có khả năng tiếng Anh thì nhà trường tổ chức CLB hướng dẫn viên du lịch để các em giao lưu với du khách nước ngoài tại Vườn quốc gia Cát Tiên; đối với những em đam mê nghệ thuật, nhà trường thành lập các CLB trong nhà trường để các em tham gia sinh hoạt theo từng lĩnh vực như đàn, hát, múa… “Tuy khó khăn nhưng thầy trò chúng tôi sẽ động viên nhau để vượt qua khó khăn, không để cho “cái khó bó cái khôn”, thầy Chi cho hay.

3. Cùng với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và sự chuẩn bị ra đời của chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được nhiều nhà trường quan tâm phát triển. Tuy nhiên, những bước đi khởi đầu chắc chắn còn nhiều khó khăn, lúng túng. Vì vậy, khó có thể trách được các bậc phụ huynh khi họ chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Mặt khác, dù phía nhà trường đã có nhiều thay đổi, giáo viên và học sinh đã học trên cơ sở tiếp cận thực tế hơn là tiếp thu kiến thức hàn lâm một chiều nhưng việc thi cử lại hầu như không có thay đổi gì. Vì thế, nếu đầu tư nhiều cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà buông lơi việc học lý thuyết thì học sinh có thể chịu thiệt thòi về điểm số. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập, thi cử của học sinh. Do vậy, những lo lắng của phụ huynh cũng không phải là thiếu cơ sở. 

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là nhu cầu việc làm liên quan đến ngành nghề STEM hiện ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi ngành Giáo dục phải có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội. Giáo dục theo định hướng STEM có thể đào tạo ra những con người đáp ứng được những nhu cầu đó. Nếu các nhà trường làm cho phụ huynh hiểu được điều này thì chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng nhà trường và con em họ.

Nguồn: Hải Yến - Báo Lao động Đồng Nai

Các tin khác

Thống kê truy cập